Tuesday, September 29, 2015

Cuộc sống mới - A brand new chapter

Phần một: Chuyện chấn thương

*****
Mình yêu thích những tháng ngày nhiều sự kiện, nhưng hơi buồn vì phải viết ít. Thời gian rảnh chỉ có thể cống hiến cho một việc duy nhất: ngủ vùi. 

Hai tháng vừa qua là khoảng thời gian đáng nhớ nhất nhất năm.

(Một) Thêm một lần quay lại với So You Think You Can Dance (SYTYCD) cho dù năm ngoái thi xong đã hứa hẹn đó là lần cuối cùng 

(Hai) Bị chấn thương nghiêm trọng nhất từ trước đến nay: giãn dây chằng chéo trước đầu gối 

(Ba) To lớn nhất, quan trọng nhất, mệt nhất, lo lắng nhất, hạnh phúc nhất: Chính thức quay lại với công việc của một vũ công, đi dạy, đi tập - đàng hoàng, danh chính ngôn thuận, tạm thời nghèo, nhưng mà sung sướng. 
Ảnh: Với đội nam của Le Cirque Dance Crew

Cả ba chuyện đều dài dòng và nhiều cảm xúc lẫn lộn. Vì SYTYCD mới phát sóng xong bán kết, điều muốn nói rất nhiều, cảm xúc vẫn trọn vẹn nhưng còn bận nhặt nhạnh kỉ niệm qua ảnh và video nên đành gác chuyện (một) sang một bên, kể lể chuyện (hai) chuyện (ba) trước, coi như để dành cho mình một trang về sau đọc lại. Nhiều kỉ niệm cứ muốn níu giữ mãi mãi về sau - như người ta thường nói "Mỗi khi muốn từ bỏ, hãy nghĩ đến lý do bạn bắt đầu"

*****
Từ trước đến cái ngày hâm dở đó, chưa bao giờ mình nghĩ mình sẽ bị thương dây chằng đầu nói. Nói đến ACL (Anterior cruciate ligament) mình chỉ hình dung ra các bạn trai đá bóng sân trơn ngã trẹo chân, đầu gối kêu rắc một tiếng và thế là ACL của anh đứt làm đôi. Hôm đó một ngày quá ư nhàn rỗi và đẹp trời, thậm chí tinh thần đang lên cao phơi phới vì vừa thi xong vòng audition Hà Nội, mình nhẩy lên không trung chào đón anh người yêu trong tư thế Grand Jete Leap nửa mùa - nhẩy lên xoạc trên không vậy đó. Lúc tiếp đất không thấy hề hấn gì rất tài tình nhưng sau khi ăn tối đầu gối phải bắt đầu có cảm giác lạ. Từ đó đến nay đã hơn hai tháng, mình rút ra một số kinh nghiệm để anh chị em nào gặp trường hợp tương tự sẽ biết cách xử lý, bảo vệ sức khỏe là trên hết!


Ảnh: vòng latin bán kết So you think you can dance.
Chân phải đeo hai bọc gối

1. Không bao giờ coi thường chấn thương gối

Khi mới bị đau nhẹ, mình đã nghĩ sẽ như những lần bị đau cơ lưng và bong gân cổ chân và hoàn toàn nhầm. Khớp gối là một cấu trúc phức tạp được giữ ổn định nhờ hê thống dây chằng và sụn. Bất kỳ một chấn thương nào từ tai nạn giao thông, tai nạn lao động hay chơi thể thao đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động nếu không can thiệp kịp thời. Với chấn thương giãn, rách một phần hoặc đứt dây chằng chéo trước, trước mắt cơ đùi có thể bị teo nhỏ, dễ khuỵu gối, lâu dài có thể dẫn đến rách sụn chêm, viêm khớp. 

2. Chấn thương gối phải làm gì

Ngay khi có cảm giác lạ, đau buốt hoặc sưng, ngay lập tức nghỉ ngơi không hoạt động, liên tục chườm đá, một ngày có thể chườm 4 đến 8 lần, mỗi lần từ 10 - 20 phút. Tác dụng của đá là giảm sưng vết thương, mạch máu lưu thông tốt hơn đến vùng tổn thương. Nhất định không được chườm nóng, nhiệt có thể làm các vết thương tệ hơn. Để chân lên cao khi nằm nghỉ và uống thuốc chống viêm. Sau một vài ngày theo dõi, đừng tiếc tiền mà nên đi khám lâm sàng + chụp cộng hưởng từ - MRI (khoảng 1,5 triệu đồng). Chụp X Quang chỉ có tác dụng phát hiện chấn thương phần xương, không thể phát hiện chất thương phần mềm. Đem phim chụp đến gặp các bác sĩ để được nghe tư vấn cụ thể. 

Những trường hợp đứt hẳn dây chằng, bệnh nhân thường phải phẫu thuật để tái tạo dây chẳng mới. Nếu dây chằng chỉ đứt bán phần hoặc giãn mà gối vẫn vững thì bác sĩ có thể chỉ định bảo tồn phục hồi chức năng (như mình). Việc có mổ hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: độ tuổi, mức độ vận động và độ vững của gối. Mỗi bệnh nhân là một trường hợp riêng biệt, việc hỏi thăm kinh nghiệm của người khác chỉ dừng ở mức độ tham khảo.

3. Biết điểm dừng 

Trường hợp của mình chỉ là giãn dây chằng, gối vưng nên chưa phải mổ. Mình đăng ký tập phục hồi chức năng tại bệnh viện thể thao một tuần và tiến triển khá tốt, Lời thú tội chân thành nhất: thay vì nghỉ liền một tháng, mình vẫn quyết định vẫn tập và thi bán kết So you think dù biết chân chưa trở lại điều kiện tốt nhất. Mình thay đổi hoàn toàn cách tập và dựng bài, đeo băng gối trợ lực kỹ càng và chườm đá thường xuyên sau mỗi vòng thi. Điều kỳ diệu xảy ra khi trải qua bốn ngày bán kết, chân mình không hề đau thêm mà có dấu hiệu đỡ. Tuy vậy vì gối vẫn còn lỏng nên thỉnh thoảng chân vẫn mỏi trở lại. Mình quyết định dừng hẳn mọi hoạt động nhẩy múa để phục hồi chức năng: co giãn, thăng bằng, làm khỏe cơ đùi trước sau ... để gối vững. 


Cho đến nay - 29/9/2015 - hơn 2 tháng sau chấn thương, chân mình vẫn chưa khỏe 100%. Gối không đau nhưng khi vận động nhiều thì cơ chân phải vẫn mỏi hơi chân trái. Mình uống Jex để bổ sung các chất cần thiết cho sụn, đề phòng viêm khớp. Tuy vậy tuyệt đối không thể "nằm chờ" hoặc nghỉ ngơi quá lâu. Chân chấn thương dù có phải mổ hay không đều phải được phục hồi tích cực qua các bước: lấy lại sự co giãn, sự thăng bằng và tăng sức mạnh của phần cơ bao quanh đầu gối. Mình không dám nói trước bao giờ chân sẽ khỏe hẳn, hoặc trong tương lai có cần mổ hay không nhưng hiện tại mình đang cố gắng tập luyện từng ngày để cơ đùi, cẳng chân, cổ chân và ngay cả thân trên đạt được sức mạnh để bù đắp cho sự thiếu hụt của dây chằng và gánh bớt sức ép lên sụn chêm. Chắc chắn, mình sẽ làm được để quay lại nhẩy múa. 

Dưới đây là một clip mình quay khá chớp nhoáng, tóm tắt lại một số bài tập cơ (strengthening) và cân bằng (balance) rất tốt cho phục hồi chấn thương nói riêng và tập chân nói chung. Ngoài một số động tác này, mình còn tập rất nhiều với máy tập và dây chung (resistance band). Không phải ai cũng có điều kiện đi gym hoặc đến các trung tâm phục hồi thường xuyên, nên mình chọn một số bài tập các bạn tâp được ở nhà. Mọi người có thể tra cứu trên google những cụm từ như: knee/leg strengthening, leg exercise, knee rehab, exercise for knee injury.... và tìm hàng trăm hình ảnh/video tham khảo. 


Cuối cùng, lời khuyên của mình dành cho những người vốn được coi là "chân yếu tay mềm" hơn đàn ông (dù ngày nay điều này không còn chính xác): 

  • Thường xuyên tập cơ chân một cách toàn diện (đùi trước, sau, bắp chân, cổ chân, hông) chứ đừng chỉ để ý bụng hai vạch hay eo thon. 
  • Tập chuẩn động tác, không nên ham những bài quá khó, tập quá nặng khi chưa thạo kỹ thuật.
  • Luôn khởi động kĩ càng, tránh các động tác quá đột ngột
  • Ở những địa hình trơn trượt khó đi, đừng đi giầy cao gót kẻo ngã :)
  • Bất kỳ chấn thương/triệu chứng lạ nào liên quan đến đầu gối đều cần được bác sĩ kiểm tra cẩn thận.