Friday, January 15, 2016

Nhật ký 6 tháng chấn thương - Injury diary (1)

Lần đầu tiên, Phương quyết định sẽ tóm tắt lại nhật ký 6 tháng vừa qua, trau chuốt những dòng có thật viết vội vàng, những cảm xúc và thực tế Phương trải qua trong quá trình phục hồi chấn thương từ tháng 7/2015 đến nay. Chấn thương của mình đối với người khác có thể không nặng, nhưng là một trở ngại rất lớn trong công việc và cuộc sống của mình. Bài viết này trước hết dành cho bản thân, để tự vỗ vai bản thân tiếp tục mạnh mẽ trong những ngày sắp tới, và để động viên bất kỳ ai đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Sau bài viết này mình sẽ dành thời gian sửa soạn nhiều hơn những nội dung luyện tập và ăn uống như mình vẫn làm trước đây. Cảm ơn và xin lỗi những người thân yêu trong suốt thời gian qua vẫn nghe mình ca thán, hay trêu trọc mình theo lời bài hát "When you legs don't work like they used to before" (Thinking out loud), nhưng vẫn yêu thường và an ủi mình bất cứ khi nào mình cần. 



Giữa 7/2015: 
Hai mẹ con đang "hưởng thụ" hai ngày nhàn hạ nhất của mùa hè sau buổi dọn nhà cật lực. Buổi chiều tôi đi bơi, sau đó có hẹn ăn tối. Cuộc sống lúc đó là màu hồng nhất có thể hồng, trước đấy mấy ngày tôi quyết định ngừng khóa học ở trường và bất kỳ công việc công việc liên quan đến khách sạn nào khác, tôi quyết định mình sẽ làm chủ tương lai trước mắt, một tương lai phát triển nhẩy múa, cho dù phải đối diện với bất kỳ trở ngại nào. Tối hôm ấy, sau một màn chào đón bạn nam nghịch ngợm bằng cách nhẩy jete leap nửa mùa sai kỹ thuật, tôi tiếp đất thẳng chân, có thể là bị vặn. Về sau nhớ lại tôi mới biết hiểu thế nào là "Sai một ly đi một dặm". Từ giây phút nghịch dại đó về sau, chân tôi không còn như xưa, rất nhiều suy nghĩ của tôi đã thay đổi. 

Tối về phòng, có một cảm giác gờn gợn phía ngoài đầu gối phải mà tôi chưa bao giờ gặp. Tôi nghĩ một đêm ngủ say sẽ là liều thuốc cứu chữa tất cả. Nhưng không, sáng hôm sau cái là lạ trong đầu gối không biến mất. Mấy ngày sau tôi lên mạng lục lọi tất cả các kiến thức về chấn thương, chườm đá, mua thuốc chống viêm, mua nẹp gối, tôi sợ mình đã bị rách sụn. Tôi lo lắng không thiết nghỉ hè, đi du lịch cũng không yên khi ngày thi bán kết So You Think You Can Dance ngày càng đến gần.  Cô bé nghệ sĩ ballet bạn tôi khuyên: nếu thấy đau lưng hay đầu gối thì phải đi khám ngay chị nhé.

25/7/2015: Tôi đi chụp cộng hưởng từ tại bệnh viện thể thao. Giữa một hành lang chen chúc các bạn trai, anh trai, các cô các chú chân đi tập tễnh, chống nạng, ngồi xe lăn, dường như tôi là người bị nhẹ nhàng nhất. 

Chẩn đoán: giãn dây chằng chéo trước (từ chuyên môn gọi là đụng dập dây chằng chéo trước), mọi thứ khác đều ổn. Bác sĩ nói tôi nghỉ ngơi, tập luyện nhẹ nhàng, lên tầng 4 tập phục hồi chức năng. Tôi như trút bỏ được gánh nặng. 

Tháng 8/2015 

Tôi đeo nẹp gối hàng ngày, chăm chỉ chườm đá, sáng sáng lên khoa vật lý trị liệu luyện tập cho cơ đùi khỏe lên, bác sĩ nói đầu gối tôi còn chắc, không phải mổ, cứ tập phục hồi chắc sẽ có tiến triển tốt. 
Ba tuần trước khi lên đường vào Sài Gòn với cuộc thi, tôi cảm thấy chân mình ổn thỏa hơn bao giờ hết. Hôm đó tôi dạy lớp nhẩy jive, lần đầu tiên sau một tuần không đeo băng gối. 

Tôi đau chân lại, đau đớn hơn bất kỳ lúc nào. Tôi biết tình trạng mình không ổn, tôi nghỉ liền hai tuần sau đó cho đến gần ngày thi, bài vở dang dở chưa dựng xong. Tôi chỉ chuẩn bị hai bài nhạc trong khi mỗi bạn đều có ba. Đêm trước ngày bay, vừa đóng gói vali tôi vừa nghĩ "Hay là thôi không đi nữa, đằng nào mình cũng đâu có cơ hội".

Cuối tháng 8/2015 - Bốn ngày So You Think You Can Dance - Top 38 với một bên chân đau 


Thế mà không hiểu bằng sức mạnh ở đâu, tôi tự tạo cho mình một cơ hôi, vượt qua bốn ngày cực kỳ khủng khiếp ấy với một bên chân đau. Vòng thi nào tôi cũng đeo ba lớp băng gối, dù hạn chế rất nhiều trong chuyển động (co, duỗi) nhưng băng gối trợ lực cho chân rất nhiều, tôi qua hết vòng này đến vòng khác, đêm nào về cũng chăm chỉ chườm đá và uống thuốc. 

Vòng thi đương đại, ngày thi áp chót. Ba vòng thi trong cùng một ngày tạo ra quá nhiều áp lực cho đầu gối, lần đầu tiên tôi cảm thấy mình đuối sức và bất lực khi tập luyện. Gần đến lúc trình diễn, phần vì chưa khởi động kỹ, phần vì ba chiếc băng gối bó quá lâu làm máu khó lưu thông, ngay khi múa xong lần đầu tiên, tôi bị chuột rút bắp chân ngay trong vòng tay của bạn diễn, lúc đấy tôi chỉ kịp nhẩy lên để vào dáng cuối, cố gắng duỗi mũi chân và bắt đầu co rút. Những tiếng cổ vũ của các bạn bè bên dưới tôi sẽ không thể nào quên, mặt mọi người lo lắng, mặt chị Minh nhăn lại. Tôi biết là mình sẽ phải vượt qua. 

Cuối cùng thì tôi cũng qua vòng đương đại và tiến đến vòng solo cuối cùng để chọn ra top 20, đối với tôi như vậy là đủ, tôi biết dù mình có được chọn, mình sẽ không thể đi tiếp vì chấn thương. Nhưng đó sẽ mãi là ngày hạnh phúc và khó quên nhất trong cuộc đời. 

Tháng 9, 10, 11 - vượt 10km đường núi ở Sapa, tự tập phục hồi chức năng 



Trải qua bốn tháng trời với nhiều tình trạng chân và cảm xúc lẫn lộn, mình muốn đưa ra một số lời đúc kết cho các bạn bị chấn thương dây chẳng, nhất là dây chằng chéo trước đầu gối. 

1. Những chỉ định của bác sĩ nên được tuân theo, tuy nhiên, bác sĩ chưa chắc đã trải qua chấn thương như bạn. Hướng diều trị của ACL không chỉ dựa vào việc chụp phim mà dựa vào từng CÁ THỂ bệnh nhân riêng biệt. Cùng là "giãn dây chằng", có người tập phục hồi chức năng sẽ hiệu quả, có người nên phẫu thuật. 

2. Chính vì vậy, tìm hiểu thật sâu về chấn thương (hay bệnh tật nói chung) mình đang mang chính là cách tốt nhất giúp bạn chống lại nó và trở nên mạnh mẽ hơn. Hãy đối diện, đừng sợ sệt lảnh tránh và để cho thời gian tự chữa lành. Nhiều khi thời gian chỉ làm vấn đề trầm trọng hơn.

3. Chấn thương ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc của bạn, đặc biệt khi bạn là người ưa hoạt động thể thao, hoặc làm các công việc liên quan đến vận động. Những lúc buồn nhất của tôi là khi ngồi ngắm các đồng đội tập luyện mà không thể tham gia, chỉ muốn đá thật mạnh vào tường. Hãy cố gắng lạc quan và giải thích cho người thân hiểu tình trạng của mình để luôn nhận được sự động viên, mọi vấn đề đều có hướng giải quyết. 

4. Dù có quyết định phẫu thuật hay không, việc phục hồi chức năng với các bài tâp cơ: tăng độ khỏe, độ linh động, độ thăng bằng của cơ và các dây thần kinh là vô cùng quan trọng. Cơ thể càng khỏe mạnh bao nhiêu thì phục hồi sau phẫu thuật càng đỡ bấy nhiêu. 

Tháng 12, tháng 1/2016 - hi vọng và thất vọng 




Đã có lúc chân tôi như khỏe lại, chắc chắn hơn, không đau sau nhưng buổi tập ép dẻo, nhào lộn (chúng tôi tập thêm một số kỹ năng bổ trợ với thầy giáo dạy xiếc). Cũng có những ngày chỉ sau một buổi dạy, một buổi đi bộ nhiều, đầu gối lại bắt đầu nặng nề yếu ớt. Tối cứ như vậy trong vòng quay của cảm xúc. Dù bên ngoài luôn tỏ ra mạnh mẽ nhưng thực chất tôi cũng lo lắng và hay tự trách mình không biết giữ gìn sức khỏe cẩn thận, hay ngẫm nghĩ và hối hận những điều ngu dại mình làm. 

Sau workshop Giáng Sinh mà mình dạy cùng ba bạn giáo viên Le Cirque, workshop của Tatiana (Hiphop) và Hani (Đương đại), hai người truyền cảm hứng mà tôi đều rất yêu thích; tôi nhận ra chân mình không hề ổn, tôi nhẩy rất tệ vì không bao giờ dám trụ hết hay làm hết động tác ở bên chân đau. Tôi nhận ra mình cần một sự thay đổi.

6/1/2016 - hai ngày sau sinh nhật lần thứ 27 




Sau một đêm dài thao thức, tìm đọc hàng trăm tài liệu tham khảo, blog của những người đã từng phẫu thuật, chưa phẫu thuật và đã phục hồi, tôi quyết định sẽ đi mổ chân. Chặng đường từ nay đến lúc đó còn hai tháng. Tôi nghỉ dần các lớp học và việc dàn dừng tiết mục. Tám tháng tới sẽ là một chặng đường dài và đầy thử thách. Tôi không dám nói trước điều gì, nhưng mục tiêu năm mới của tôi chỉ có vậy: tái tạo dây chằng, phục hồi tốt để có một ngày tôi được quay trở lại sàn thi đấu, được dạy học và tiếp tục theo đuổi công việc mình đam mê. Trong thời gian nghỉ ngơi, tôi sẽ tiếp tục với công việc bán thời gian, đọc sách, xem phim và viết nhiều hơn. Cuộc sống không có gì là hoàn hảo, nhưng nếu không cố gẳng và chấp nhận những rủi ro, tôi đoán mình sẽ không thể nào tiến tiếp. 

Vì khó khăn mình đang gặp phải so với những người khác, chỉ nhỏ bằng hạt bụi. 



No comments:

Post a Comment